Dân tộc Do Thái là dân tộc không chỉ vô cùng coi trong tri thức mà họ luôn lấy tâm điểm giáo dục kĩ năng sinh tồn và giáo dục nhân cách lên hàng đầu “Thành người rồi mới thành tài”. Họ chỉ chiếm 0,2% dân số thế giới nhưng vào thế kỷ 19 có tới 1/4 các nhà khoa học trên thế giới là người Do Thái. Đồng thời, có tới 22% số giải Nobel thuộc về người Do Thái. Vào thế kỷ 20, phải kể đến những tên tuổi như Sigmund Freud, Albert Einstein, Otto Frisch… đều là người Do Thái.
Bà Sara Imas, một bà mẹ Do Thái điển hình với cách giáo dục con cái của mình bà không chỉ có những đứa con là triệu phú mà trên hết họ chính là những con người với phẩm chất đạo đức tốt đẹp khiến bà hãnh diện và tự hào. Bà chia sẻ rằng sự thành công và có những nhân tài kiệt xuất thế giới của người Do Thái IQ cao chỉ là một yếu tố, điều quan trọng chính là phương pháp giáo dục từ gia đình.
“Mềm mỏng là hại, tàn nhẫn là yêu!
Người nào nuông chiều con cái, ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con!”
Bà từng là một bà mẹ Trung Quốc kiểu mẫu (Bà mẹ trực thăng Trung Hoa) cho đến khi trở lại cố quốc và được thức tỉnh bởi lời mắng hết sức thẳng thừng của chị hàng xóm: “Em đừng đem kiểu giáo dục đó đến Israel, đừng nghĩ em đẻ ra con có nghĩa em là mẹ của chúng. Chẳng có người người cha người mẹ nào là không yêu con cái, chỉ có điều chúng ta cần phải biết yêu con có chừng mực, có nguyên tắc và phương pháp”, “Cha mẹ có thể cho con cái rất nhiều tình thương, nhưng không thể trưởng thành thay con. Mỗi người làm cha, làm mẹ đều rất mực yêu thương con cái của mình, nhưng tình yêu ấy cần có chất lượng. Có tình yêu giống như dòng nước mát, sau khi làm thỏa mãn cơn khát trong cổ họng của con, nó không để lại dấu vết gì, có tình yêu lại giống giọt máu đào đi vào thể chất và tinh thân của con, suốt đời chảy trong con, ban cho con sức mạnh.”
Những lời răng dạy của chị hàng xóm đã làm bà thay đổi nhận thức và ý thức xây dựng lại giá trị của người mẹ trong bà trỗi dậy. Bà học hỏi cách dạy con của người Do Thái yêu thương con theo một cách khác. “Một phụ huynh 100 điểm, tuyệt đối không phải là một phụ huynh thành công” Bà không phải là bà mẹ yêu con 100 điểm. Bà là một bà mẹ 80 điểm, phần còn lại không phải bốc hơi đi mà được cất giấu thật cẩn trọng.
Phụ huynh Do Thái coi trọng bồi dưỡng tinh thần khám phá của con để con tự khai mở bầu trời của mình. Dạy trẻ sống tự lập chính là món quà quý giá nhất họ dành tặng con. Với việc tiếp cận một nền văn hóa thông tuệ, bà đã có những phương pháp dạy con chất lượng cao.
1. Yêu con trên nguyên tắc có làm có hưởng
Nguyên tắc có làm có hưởng là tinh hoa của giáo dục sinh tồn của người Do Thái, khiến cho con cháu của người Do Thái dù phiêu bạt đến chân trời nào, sự nghiệp của họ cũng như diều gặp gió.
Bà Sara đã áp dụng nguyên tắc ấy trong gia đình của mình, rèn luyện kĩ năng làm việc nhà cho ba đứa nhỏ, bồi dưỡng kĩ năng quản lý tài sản, kỹ năng sinh tồn, kĩ năng quản lý và ý thức trách nhiệm của chúng.
Bà là một người mẹ yêu con một cách thông thái, nhận thức rõ một đứa trẻ sẽ có những tố chất khác nhau, điều quan trọng là phải khai sáng để tố chất được nở rộ. Bà dày công trong việc bồi dưỡng kĩ năng giao tiếp cho con để con có “chìa khóa tâm hồn giúp con kết giao với người khác”
2. Trì hoãn thỏa mãn trên danh nghĩa của tình yêu
Bà từ chối những yêu cầu quá đáng của con nhưng bù lại bà sẽ đặt nhiều tâm huyết để giải thích cái gì mới thực sự cần, mới thực ý nghĩa và quan trọng bà luôn muốn cho con hiểu rằng sự yêu thương của cha mẹ dành cho con cái là vô giá. Qúa thỏa mãn yêu cầu của con sẽ đem lại nỗi khổ cho phụ huynh.
Theo bà, quan niệm “đặt mình vào vị trí của trẻ” nhấn mạnh sự tương thông tâm hồn giữa cha mẹ và con cái, song không cho phép cha mẹ thỏa mãn vô hạn các yêu cầu của con hoặc thỏa mãn dễ dàng, thỏa mãn quá mức. Với sự thỏa mãn dễ dàng của bạn dành cho con sẽ dẫn dến dẫn những mối nguy hại của trẻ như: đánh cắp tình yêu của cha mẹ, khó hòa nhập xã hội, thiếu năng lực cạnh tranh xã hội và thỏa mãn quá mức sẽ tạo ra “gia tộc dâu tây”.
“Trong yêu có dạy” là món quà quý giá nhất cha mẹ trao tặng cho con dưới một hình thức thông minh. Bên cạnh đó, bà chú trọng bồi dưỡng kĩ năng vượt khó cho con (AQ) đó là tiền đề để con có thể đối diện với phong ba bão táp trên đường đời.
3. Càng yêu con càng cần lùi bước
Một nhà tư tưởng Do Thái từng nói: “Hãy để cho trẻ tự giải quyết chuyện của mình. Nếu cha mẹ quá che chở cho trẻ thì sẽ làm mất tự tin ở trẻ. Khi lớn lên, đứa trẻ đó chắc chắn không có được tính cách độc lập, càng không thể đạt được những thành tựu xuất sắc”.
Theo quan điểm của bà Sara, trong quá trình phát triển của trẻ, nếu cha mẹ không cho chúng không gian sống độc lập, xem thường tính chủ động trong sinh tồn của chúng thì chẳng khác nào cướp đoạt quyền tự do phát triển của chúng.
Phụ huynh Do Thái cho rằng: không chịu rút lui, không chịu buông tay cha mẹ sẽ bồi dưỡng chúng thành những “thai nhi quá hạn”, “gieo nhân rồng nhưng lại thu về bọ chét”, đứng mũi chịu sào thay con, một tay lo hết mọi việc, che khuất tầm nhìn của con chính là sự thất bại trong cách giáo dục của bậc cha mẹ.
Càng yêu con càng lùi bước không phải là buông thả để con tự phát triển, cha mẹ tuyệt đối không giúp trẻ hoàn thành mọi việc, mà chỉ nên xuất hiện vào thời khắc quan trọng nhất. Ta bảo vệ con trong bóng tối nhưng không vượt qua chức phận của mình “Cho con cá không bằng cho cần câu”, “Đừng làm quản gia, hãy làm làm quân sư” cho con.
4. Cha mẹ nhẫn tâm để yêu thương con sâu đậm
Quan điểm của bà Sara nêu rõ: “ Nguyên tắc có làm có hưởng là vun vén tình yêu giữa bạn và con cái. Phụ huynh cất đi phân nửa trái tim của mình, không có nghĩa là vứt bỏ phân nửa tình yêu thương ấy, họ càng khiến con trẻ hiểu rõ đâu mới là thứ thật sự giá trị, đó là người thân, niềm vui, tình yêu.” Người Do Thái trong đó có bà Sara thường lồng ghép những câu chuyện mang giá trị sống để giáo dục con cái.
Tình yêu giữa cha mẹ và con cái cần phải được vun vén mỗi ngày. Bà thường cùng các con “du hành thời gian” rồi thong thả kể cho con nghe những câu chuyện của mình và của con hồi nhỏ để cả gia đình cùng tận hưởng niềm vui. “Yêu không chỉ là một danh từ, nó còn là một động từ, cho nên các bậc cha mẹ cần vun vén tình yêu dành cho con cái.”
Với cương vị là người đầu tàu, dù cuộc sống lúc mới tái nhập cư gặp rất nhiều khó khăn nhưng bà vẫn luôn kiên cường, ung dung đối mặt với mọi chuyện đó chính là cách mà bà “gieo nắng tình yêu” bồi dưỡng thái độ sống lạc quan cho những đứa con của mình. Bên cạnh đó, bà chú trọng giáo dục nuôi dưỡng lòng biết ơn cho con, dạy con biết chia sẻ với người khác.
Trên vạn dặm đường đời, tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái bao la như biển cả. Bà Sara là một phụ nữ thất bại trong hôn nhân nhưng lại cực kì thành công trong vai trò làm mẹ. Một người phụ nữ “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” những đứa con của mình. Qua những câu chuyện hồi tưởng của bà về cách dạy con của chính bà và những tấm gương của những bậc cha mẹ Do Thái điển hình tôi chỉ có thể cảm thán rằng: Người Do Thái quá xuất sắc, người Do Thái quá thông tuệ và có “tầm nhìn xa trông rộng”. Họ yêu con bằng lí trí,cất giấu đi phân nửa trái tim mình biến yêu thương thành sức mạnh trong con.
Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương là một cuốn sách chứa đựng đầy ắp giá trị nhân sinh quan dành cho những bậc cha mẹ. Một cuốn sách quá nhiều nội dung mà tác giả muốn truyền tải đến độc giả của mình “phương pháp giáo dục con cái của người Do Thái và bài học về tình yêu thương được đặt đúng chỗ.”
Người viết review: Mai Cẩm Tú
Facebook Comments