Review sách “Lá nằm trong lá”

Nguyễn Nhật Ánh là cái tên cũng như là bút danh của một nhà văn Việt Nam chuyên viết cho tuổi mới lớn. Bình luận về những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, Việt Trung của báo Thanh niên có lần nói: “Viết cho trẻ con giờ khó hơn xưa. Có hàng bao nhiêu là món giải trí rầm rộ, hoành tráng và lộng lẫy dọn sẵn, muốn thu phục “lũ tiểu yêu” thế kỷ 21 này, nhà văn không chỉ thông thuộc mặt bằng hiểu biết của chúng, mà còn phải tâm tình được với chúng bằng tốc độ của chúng. Có thể nói Nguyễn Nhật Ánh là một người lớn chấp nhận tham dự món du hành tốc độ cao cùng lũ trẻ. Thời thong thả đạp xe, từ tốn khuyên bảo đã qua rồi. Thực ra Nguyễn Nhật Ánh đã biết đi tàu tốc hành từ hai thập niên trước, khi những Kính vạn hoa, Thằng quỷ nhỏ, Bàn có năm chỗ ngồi… đem lại cho văn học thiếu nhi một diện mạo mới mẻ, những câu chuyện tưởng như ấm ớ ngày này qua tháng khác nhưng sao hôm nay nhìn lại, những người đã từng là trẻ con thấy nhớ quá..”. Những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn mang đến cho người đọc những cảm xúc như vậy, và “Lá nằm trong lá” cũng là những cảm xúc như thế!

“Tôi cặp kè với Thỏ Con suốt một năm trời mà chẳng nhớ nổi tụi tôi đã tâm tình với nhau những gì đặc biệt có lẽ vì tụi tôi yêu nhau theo cái kiểu trẻ con học đòi làm người lớn.

Tôi chở Thỏ Con lượn vòng vèo ngoài đường với vẻ kiêu hãnh của người chở một chiếc tivi đời mới, nhằm khoe khoang hơn là biết cách sử dụng cái tivi đó. Thực tình thì bao nhiêu lần dắt nhau ra sông, chui rúc vào rừng sim hay giữa các khe đá của bãi Tiên Nông, tụi tôi chưa hôn nhau một cái nào.

Tôi hỏi tụi thằng Hòa, thằng Sơn, thằng Thọ, hóa ra tụi nó cũng thế. Cũng như tôi, tụi nó chở đám Cúc Tần, Xí Muội, Hạt Dưa đi loăng quăng những chốn thơ mộng rốt cuộc cũng chỉ để rút máy ảnh ra bấm tanh tách, kiếm vài pô hình về nhét đầy album làm kỉ niệm học trò…”

 

Đó chỉ là số ít những câu chuyện thời cấp 3 mà Nguyễn Nhật Ánh đã kể lại trong “Lá nằm trong lá”. Đọc truyện, độc giả sẽ bắt gặp những tình huống dở khóc dở cười mà mình đã từng một lần trải qua như: tắm sông bị giấu quần áo, trốn học đi hái sim, hẹn hò với bạn gái ở đống rơm sau nhà bị ăn ngay “nước tiểu”, những bài thơ “con cóc” kể về mối tình đầu tiên, những cơn giận dỗi ghen tuông bạn gái bạn trai với nhau, chuyện nhà trường có các cô giáo hơn trò vài tuổi coi trò như bạn, có thầy hiệu trưởng tâm lý và yêu thương học trò, coi trò như con…Ở đó có những mối tình non nớt, khi những cô cậu học trò biết thinh thích nhau, biết cảm thụ văn học và trở thành những nhà thơ viết tặng cho nàng thơ của mình. Tình cảm nồng nhiệt và chân thật. Bác Ánh giống như Hoàng tử bé vậy. Một người lớn, nhưng hiểu và cảm nhận được những suy nghĩ của tuổi trẻ. Cái tuổi mà người ta vẫn nghĩ là đầy rẫy những thứ bồng bột, phức tạp, muốn thể hiện mình mà làm những chuyện dại dột, sẵn sàng vùng ra khỏi sự kiểm soát của gia đình. Nhưng ở bác Ánh và qua bác Ánh, tuổi trẻ hiện lên thật trong sáng, dễ thương, giản dị nhưng cũng không kém phần lãng mạn và sâu sắc.

Mở cuốn sách mới của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, bạn sẽ gặp những cái tên quen thuộc của những người nổi tiếng ngay trang 5 trang trọng đề tặng “các bạn văn hữu”: nhà thơ Bùi Chí Vinh, Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc, nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhà phê bình Huỳnh Như Phương, nhà báo Nguyễn Công Khế, Kim Hạnh, … Tuổi niên thiếu của “những thằng quỷ nhỏ” trong truyện có gắn gì với họ không, có phải là họ không, chỉ họ và tác giả mới biết, nhưng bạn đọc thì có thể tưởng tượng ra một nhóm “thằng” thân thiết, bắt đầu lớn, biết thinh thích con gái và ngập mộng văn chương.

“Khi mùa xuân đến

Tình anh lại đầy

Lá nằm trong lá

Tay nằm trong tay”

 

 

Người viết review: Ánh Nguyệt

Facebook Comments

Trả lời