Review sách “tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một truyện dài của nhà văn vừa nhận giải văn chương ASEAN Nguyễn Nhật Ánh – đã được Nhà xuất bản Trẻ mua tác quyền và giới thiệu đến độc giả cả nước. Nâng niu “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” trên tay, người đọc cứ thế mà cầm, mà mân mê rồi đọc một lèo, rồi hết. Đến trang cuối cùng rồi đóng sách lại, bất chợt ta thốt nên câu: “Ơ?! Thế là hết rồi à?”. Bác Nguyễn Nhật Ánh là cây bút yêu thích của rất nhiều người. Tôi thường được nghe mọi người nói rằng bác viết truyện cho trẻ con rất hay. Mà thực ra thì không hẳn, phải là bác viết về tuổi thơ của chúng ta rất hay. Những câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh luôn gợi cho tôi nhớ vể một thời tuổi thơ đã xa. Một nơi mà trẻ con sống vô lo vô nghĩ. Một nơi của những trò chơi thôn quê như bắt bướm, bắt dế, chuồn chuồn, trèo cây, đánh khăng,… Nguyễn Nhật Ánh lấp đầy tuổi thơ còn thiếu sót của tôi bằng những câu chuyện giản dị và ngây thơ.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” viết về tuổi thơ nghèo khó ở một làng quê, bên cạnh đề tài tình yêu quen thuộc, lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh đưa vào tác phẩm của mình những nhân vật phản diện và đặt ra vấn đề đạo đức như sự vô tâm, cái ác. 81 chương trong cuốn sách là 81 câu chuyện nhỏ của những đứa trẻ xảy ra ở một ngôi làng. Mỗi chương khác nhau lại mang đến cho người đọc những cảm xúc riêng không lẫn vào đâu được. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chắc chắn sẽ mang đến người đọc những điều thú vị với cả bạn đọc nhỏ tuổi và người đọc lớn tuổi lớn bằng giọng văn trong sáng, hồn nhiên, giản dị của mình qua hơn 300 trang sách. Cuốn sách chắc chắn có một sức ám ảnh, thu hút, hấp dẫn mà không người đọc nào có thể bỏ qua.

Đến tận dòng cuối cùng của cuốn truyện, giọng văn dề thương của Nguyễn Nhật Ánh vẫn không “buông tha” người đọc, cứ thế, từng trang sách cứ được lật sang, lật sang cho đến hết.
Truyện có rất nhiều chi tiết, rất nhiều nhân vật nhưng để hỏi điều gì làm tôi ấn tượng nhất thì chắc chắn đó là tình cảm của hai anh em trong câu chuyện. Tình cảm ấy được bác Ánh xây dựng xuất sắc giữa hai anh em Thiều và Tường trong truyện.
Thiều là  một cậu nhóc tuổi mới lớn đang hào hứng phăm phăm bước qua thế giới của người lớn nhưng rồi bỗng ngoái lại và tiếc nuối quá khứ của một thằng nhóc vô tư vô lo. Thiều như là một tấm màng lọc, lọc trắng đen ra, lọc trái phải ra nhưng lại không biết làm gì tiếp theo với những thứ đã lọc đó. Và bác Ánh đã nhìn và kể lại một khung cảnh tuổi thơ thôn quê qua lăng kính của một người “muốn lớn nhưng vẫn muốn nhỏ” mang tên Thiều.
Thiều phức tạp, nhưng Tường thì không. Tường em Thiều, khác hẳn ông anh bị giằng xé giữa những mâu thuẫn nội tâm, Tường thuần khiết, như một tấm kính trong chứ không phải một màng lọc. Em yêu thương vô điều kiện, dặc biệt với ông anh luôn là người gây ra rắc rối cho thằng em. Chịu gậy của bố cũng là em, gánh lên lưng sự ghen tức của thằng anh cũng là em nhưng vẫn mỉm cười tha thứ cho mọi cơn giận, mọi sai lầm của người anh. Tường biết đâu là chính chúng ta khi chưa bước qua ranh giới người lớn-trẻ con, chưa phải bước qua màng lọc trắng đen, trái phải ấy.

Xuyên suốt câu truyện, thằng anh toàn gây truyện rồi thằng em hứng hết để rồi Thiều vẫn luôn mang một tâm trang day dứt với Tường, như cái cảm xúc chúng ta vẫn luôn day dứt với chúng-ta-hồi-đó, rồi thở dài cái thượt “Cho tôi xin một vé về tuổi thơ”. Rồi ta vội vã nhận ra rằng vẫn chưa trễ, vội vã lục lọi lại những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ, chăm sóc nó bằng cách viết, kể không để nó bị lãng quên, như cách Thiều hối hận và nhủ lòng luôn chăm sóc em sau những gì mình đã gây ra.

Tình yêu thương chính là thông điệp chính của câu chuyện, nó không hề hiển hiện ở các lời nói hay thậm chí những hành động không rõ ràng. Nguyễn Nhật Ánh muốn ta phải tìm kiếm, phải để ý, phải cảm nhận, mới có thể thấy. Nó giống như thứ ánh sáng ấm áp nhưng chỉ đang lấp ló sau lớp màn che, là sự nghèo khó, là những cảm xúc trưởng thành rối loạn ở bề mặt, hay cả những hành vi của Thiều dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người trách Thiều vì “miếng ăn” mà đánh em, nhưng đâu phải vì miếng ăn? Giống như thể hiện xuất sắc của Thịnh Vinh, nếu em cười người ta sẽ thấy sự dịu dàng và ngây thơ, nhưng ánh mắt giận dữ thì sắc lạnh hút hồn, ở Thiều là tập hợp muôn vàn cảm xúc trái ngược. Đều chỉ xuất phát từ tình thương. Sẽ chẳng thể ghét Thiều nổi nếu người xem thấy cảm động khi em chịu bầm dập chỉ để mang hai củ khoai về cho Tường và Mận. “Đó là khoai cho thằng Tường với con Mận,” em hét lên. Ba người sao chỉ có hai củ khoai? Em còn không giữ lại một củ cho mình. Đó là tình yêu, cũng sáng trong và vô điều kiện như tình yêu Tường dành cho con Cu Cậu. Và chỉ có tình yêu lớn, khi ngỡ bị phản bội, mới dẫn đến những hành động sai lầm lớn.

Cuốn sách nhỏ nhắn hồn hậu, dí dỏm, ngọt ngào đôi khi lại phảng phất nỗi buồn,.. Những bài học về luân lý, về tình người trở đi trở lại trong day dứt và tiếc nuối. “Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh” lắng đọng nhẹ nhàng trong tâm tưởng để rồi ai đã lỡ đọc rồi mà muốn quên đi thì thật khó.

 

 

Người viết review: Ánh Nguyệt

Facebook Comments

Trả lời