Review sách “Ngày xưa có một chuyện tình”

Cũng lâu lắm rôi tôi mới đọc lại một cuốn truyện của bác Nguyễn Nhật Ánh, truyện của bác khi nào cũng mang đến cho người đọc cũng cảm xúc lâng lâng khó tả. “Ngày xưa có một chuyện tình” cũng lại là một câu truyện mang đến người đọc những cảm xúc như thế. Câu chuyện kể về tuổi học trò, họ cùng nhau lớn lên, và sau đó là những trăn trở về tình yêu và sự hi sinh. Đọc cuốn sách này làm tôi có tí liên tưởng đến  “Mắt Biếc” hay “Còn chút gì để nhớ”, nhưng “Ngày xưa có một chuyện tình” vẫn  mang trong nó một màu sắc mới lạ. Nó thể hiện rõ tâm lý của từng nhân vật qua góc nhìn của họ những trải nghiệm sâu và cả góc nhìn đa chiều về tình yêu thật sự là như thế nào vì “trái tim có ngữ pháp riêng của nó và trong hệ thống ngữ pháp rối rắm và đầy tính mờ đục đó, “yêu” là một động từ bất quy tắc”.

Kết cấu của truyện là 4 “sân khấu” riêng biệt:

  1. Tự sự của Vinh.
    2. Tự sự của Phúc
    3. Cuộc trò chuyện giữa Phúc và bé Su
    4. Tự sự của Miền

Kết cấu này là một kết cấu vốn lạ, nhưng không phải mình chưa từng đọc. Nhưng xuất hiện ở truyện Nguyễn Nhật Ánh thì lần đầu tiên mình bắt gặp kết cấu kể chuyện này. Câu chuyện kể về Vinh – Miền – Phúc, những đứa trẻ ở một làng quê. Vinh yêu Miền từ bé, ai cũng biết. Lớn lên, Miền yêu Phúc và cũng như một lẽ tự nhiên Phúc yêu Miền. Những biến cố xảy đến khiến những việc như là một lẽ tự nhiên trở thành trái quy luật. Sự day dứt giữa việc: chọn bạn hay chọn tình như một cuộc chiến không có hồi kết trong tâm hồn Vinh và Phúc. Miền đứng giữa, đẹp như một giấc mơ thơ dại. Những nhân vật nam trong truyện Nguyễn Nhật Ánh đều đáng để yêu. Bởi họ phản ánh chính tâm hồn của Nguyễn Nhật Ánh, đàn ông và tử tế. Còn những nhân vật nữ trong truyện thì luôn phản ánh chính cái nhìn của Nguyễn Nhật Ánh về phụ nữ, họ là “những sinh vật kỳ bí” nhất thế gian. Chính vì thế, trong Ngày xưa có một chuyện tình, đoạn tự sự của Miền về quyết định chọn ai chỉ xuất hiện ở đoạn cuối và nói lên tất cả những gì cô nghĩ xuyên suốt cuộc đời mình.

Câu chuyện được kể theo lời của cả 3 nhân vật, đan vào đó là những đoạn truyện về một đứa trẻ. Cách viết này khiến mình có thể hiểu rõ hơn về tâm tư tình cảm của các nhân vật, hiểu tại sao họ lại hành động, lựa chọn như thế. Điều đó khiến mình có sự cảm thông hơn và hiểu nhân vật hơn.

Truyện tuy nhẹ nhàng nhưng để lại ấn tượng sâu. Từng lời văn, từng câu chữ của tác giả dù rất mộc mạc nhưng đi vào lòng người. Tôi cảm giác như câu nào cũng có thể lôi ra làm quote vậy. Những câu quote đơn giản, dễ hiểu nhưng đọng sâu vào trong lòng mõi người đọc.

Sách của Nguyễn Nhật Ánh tuy vẫn văn phong ấy, phong cách ấy nhưng mỗi cuốn sách, mỗi câu chuyện đều để lại dấu ấn khác nhau cho người đọc. Đọc sách của ông lần nào mình cũng nhìn thấy chút ít bản thân mình ngày bé trong đó. Tuy cảm giác đã cũ, man mác buồn nhưng nó chẳng bao giờ phai nhạt, vì nó là một phần tuổi thơ của mình, góp phần tạo nên mình ngày hôm nay. Nếu muốn trở về tuổi thơ, hay tìm chút ký ức của quá khứ bị bỏ quên hãy tìm đọc sách của Nguyễn Nhật Ánh, mình tin là ai cũng sẽ tìm lại được. Hoặc không thì cũng một lần được hóa thân vào nhân vật sống với thời thơ ấu đó, tuy không được ấm êm, sung sướng như thời đại bây giờ nhưng như thế mới đúng chất của tuổi thơ.

Người viết review: Ánh Nguyệt

Facebook Comments

One Reply to “Review sách “Ngày xưa có một chuyện tình””

Trả lời